“GIẢI PHẪU”
GIÀY VULCANIZED
Trước khi thực hiện cuộc "giải phẫu" như tiêu đề của bài viết, chúng tôi nghĩ bạn cần biết rằng những đôi giày Sneaker bạn trên chân mỗi ngày hiện tại đang được chia làm 2 nhóm chính nếu phân loại chúng dựa trên phương pháp sản xuất
Nhóm thứ nhất là Cold Cement Sneaker
bao gồm những mẫu Sneaker được làm từ phương pháp dán đế lạnh - đại diện cho nhóm này là những đôi giày "ai cũng biết" như Nike Air Force 1, Adidas Originals Stan Smith, Puma Suede, Asics Onitsuka Tiger Corsair,..hay những đôi giày Sportswear phục vụ cho các hoạt động thể thao
Nhóm thứ hai là Vulcanized Sneaker
Vulcanized Sneaker hay còn gọi giày cao su lưu hóa. Đây là những đôi giày mang form dáng classic, tối giản đã trở nên "bất hủ" với phương pháp sản xuất đã có từ rất lâu như Converse Chuck Taylor All Star, Vans Old Skool...và những đôi giày thuộc các dòng Basas, Vintas, Urbas từ Ananas hiện tại các bạn đang chọn lựa
Mỗi nhóm giày lại mang một ưu, nhược điểm khác nhau tuỳ theo sự lựa chọn của mỗi người. Trong phạm vi ngắn của bài viết này, Ananas xin phép chỉ đào sâu thông tin xoay quanh cấu tạo của Vulcanized Sneaker (giày Vulcanized) - loại giày mà chúng tôi đã chọn làm "cốt lõi" để theo đuổi trong suốt hành trình của mình và "mách" cho bạn cách dễ nhất để phân biệt chúng với nhóm còn lại.
Có nhiều thông tin về cách gọi tên về các bộ phận trên giày, vì thế để tránh thông tin bị nhập nhằng, chúng tôi đã thống nhất sử dụng các từ ngữ được dùng trong quá trình sản xuất để gọi tên những bộ phận trên đôi giày của mình.
ANANAS CHỌN VULCANIZED SNEAKER LÀ SẢN PHẨM "CỐT LÕI" TRONG SUỐT HÀNH TRÌNH
Giống với mọi đôi Sneaker khác, giày Vulcanized về tổng thể cũng có 2 phần chính gồm Upper: toàn bộ các thành phần nằm ở phần thân trên và Sole: phần đế luôn được dùng cao su làm "nền móng" bên dưới. Theo chú thích từ (1) - (11) bạn có thể thấy trên hình, Upper bao gồm các bộ phận:
(1) Vamp: mũi giày - phần nằm phía trước của giày, tiếp xúc với ngón chân.
(2) Tongue: hay thường được gọi với cái tên thuần Việt là lưỡi gà. Đây là phần đệm bên trên của bàn chân và được kết nối với đỉnh của Vamp.
(3) Stamp: miếng tem logo trái dứa được may đính hoặc ép nhiệt trực tiếp trên lưỡi gà.
(4) Eyestays: là bộ phận chứa 2 hàng lỗ xỏ dây giày. Trong sản xuất, bộ phận này được gọi là nẹp ô-zê. Giày có thể có nẹp ô-zê hoặc không tùy vào ý đồ từ thiết kế.
(5) Eyelets: nằm trên Eyestays, Eyelets là từ dùng để chỉ lỗ xỏ dây giày, nếu có khoen đi kèm, Eyelets còn được gọi là nút ô-zê.
(6) Stitching: những đường chỉ may vừa có tác dụng gắn các phần lại với nhau, vừa có tác dụng trang trí.
(7) Laces: dây giày - thành phần rất quen thuộc và có thể thay đổi dễ dàng.
(8) Aglets: nằm ở phần đầu của dây giày, còn gọi là đầu tips giữ dây.
(9) Heel counter: counter hậu - bộ phận định hình gót cho chiếc giày (bên trong) và trang trí phần gót (bên ngoài).
(10) Heel strap: hay còn gọi là nẹp hậu. Công dụng chính là tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Bộ phận này có thể không có ở một số kiểu giày và dáng giày.
(11) Lining: còn gọi là lót thân - lớp lót bên trong thân giày.
Ở mục số (12), chúng ta có Insock: lớp đầu tiên chân bạn tiếp xúc khi xỏ chân vào giày. Insock ở một số mẫu giày sẽ có công dụng giữ ấm, khử mùi trong khi một số mẫu khác lại là bộ phận tạo độ êm ái khi mang và hạn chế ma sát với phần Sole (đế)
Sole là bộ phận quan trọng và "khó nhai" nhất trong quá trình sản xuất giày. Phiên bản đầy đủ của chúng gồm 3 phần là Insole (đế trong), Midsole (đế giữa) và Outsole (đế ngoài) và thường có ở giày Cold Cement. Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Midsole của giày Vulcanized chính là lớp foxing cao su (15) nằm giữa Upper và Outsole. Tuy nhiên trên thực tế giày Vulcanized không có Midsole mà chỉ gồm 2 phần:
(13) Insole: đế trong - phần nằm dưới Insock, không thể nhìn thấy từ bên ngoài vì bị che đi.
(14) Outsole: đế ngoài - bộ phận duy nhất của giày tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Vì là bộ phận chịu nhiều lực ma sát trong lúc giày được sử dụng nên chất liệu đế cũng phải là những chất liệu có tính bền chắc cao.
Nhóm bộ phận cuối cùng "làm bằng cao su" cũng không kém phần quan trọng trong việc thành hình một đôi giày Vulcanized hoàn chỉnh. Đó là:
(15) Foxing: lớp cao su được dán lên giày để gia cố, kết nối Upper và Sole, đây cũng là chi tiết giúp bạn dễ dàng nhất để "phát hiện" ra giày Vulcanized và phân biệt chúng với giày Cold Cement đã đề cập ở đầu bài viết (giày Cold Cement không có bộ phận này).
(16) Bumper: còn có cách gọi khác trong sản xuất là foxing mũi. Bumper thường dùng để gia cố cho foxing thêm chắc chắn. Tùy vào mục đích trang trí mà chất liệu / màu sắc của bumper có thể khác với tổng thể foxing. Bạn có thể thấy rõ điều này qua các sản phẩm trong bộ Basas Bumper Gum vừa được Ananas ra mắt cách đây không lâu.
(17) Heel label: chiếc tem gót - điểm nhấn không kém phần quan trọng vì mang trọng trách truyền tải thông điệp của thương hiệu.
SNEAKER VỀ TỔNG THỂ LUÔN CÓ 2 PHẦN CHÍNH LÀ UPPER VÀ SOLE, CÒN VIỆC PHÂN LOẠI CHÚNG THÀNH VULCANIZED HAY COLD CEMENT LÀ DỰA TRÊN PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT
FOXING LÀ BỘ PHẬN NHẬN DIỆN ĐẶC TRƯNG NHẤT CỦA
GIÀY VULCANIZED
Vậy là chúng ta đã hiểu sơ lược về những bộ phận cấu tạo nên một đôi giày Vulcanized nói chung và hiểu hơn về giày Ananas nói riêng rồi. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích giúp cho bạn có thêm kiến thức trong hành trình tìm hiểu nền văn hóa sát mặt đất rộng lớn. Chúng tôi sẽ sớm trở lại trong các bài viết sắp tới để cung cấp thêm cho các bạn nhiều thông tin thú vị hơn nữa vời những chủ đề có liên quan đến chính Ananas nhé.
P/s: Nếu bạn có thắc mắc, hay có phản hồi nào muốn chia sẻ, chúng tôi rất vui được trò chuyện cùng bạn tại hộp thư ananasnewweb@gmail.com.